Sa sút trí tuệ là bệnh chủ yếu gặp ở những người lớn tuổi. Hiện các nhóm thuốc điều trị sa sút trí tuệ thường chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng về suy giảm nhận thức, hành vi chứ không thể chữa bệnh một cách triệt để.

Các loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ đang phổ biến

Thuốc điều trị sa sút trí tuệ có tác dụng chính là chống lại các triệu chứng liên quan đến khả năng tư duy và suy nghĩ ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi gây giảm trí nhớ. Tuy nhiên những loại thuốc này không thể chữa khỏi sa sút trí tuệ và chỉ phát huy tác dụng đối với một số trường hợp nhất định. Thêm vào đó, bệnh nhân cũng cần biết thuốc chống sa sút trí tuệ trong một vài tuần đầu sử dung sẽ gây các tác dụng phụ đối với cơ thể như tiêu chảy buồn nôn và nôn.

Hiện nay có 4 loại thuốc thường được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân sa sút trí tuệ bao gồm: donepezil, galantamine, rivastigmine, mematine ở dạng viên nén, dung dịch, viên hòa tan trong nước, miếng dán với nhiều tên biệt dược khác nhau.

Trong đó donepezil, galantamine và rivastigmine nằm trong nhóm chất ức chế acetylcholinesterase. Cụ thể các loại thuốc này hoạt động để làm tăng hàm lượng chất acetylcholine – một chất trong não bị suy giảm ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Còn mematine hoạt động với một cơ chế khác. Nó có tác dụng làm giảm nồng độ của glutamate, làm chậm quá trình tổn thương của tế bào não do bệnh sa sút trí tuệ gây nên.

Ngoài ra bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng có thể sử dụng:

- Thuốc chống trầm cảm: nếu phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm. Đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ, trầm cảm khá phổ biến nhưng lại thường không được chẩn đoán chính xác.
- Aspirin và một số thuốc dùng để phòng tránh nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch có thể được kê cho một số trường hợp đặc biệt là đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ mạch máu.
- Thuốc an thần, thuốc kích thích giấc ngủ: đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ bị mất ngủ và khó ngủ nhiều.
- Thuốc chống động kinh: ít khi được kê nhưng chủ yếu dùng cho những người dễ kích động.

Khả năng điều trị của thuốc sa sút trí tuệ

Theo thống kê cho thấy khoảng 50% bệnh nhân sa sút trí tuệ điều trị bằng thuốc ức chế cholinesterase có thể cải thiện được sự suy giảm về suy nghĩ và trí nhớ. Tuy nhiên khả năng điều trị của các thuốc này với các triệu chứng như lo lắng nhiều, kích động thì chưa được xác định rõ. Thuốc chỉ phát huy tác dụng cải thiện triệu chứng sau từ 6 – 12 tháng sử dụng.

Tác dụng phụ của thuốc chống sa sút trí tuệ

Thuốc sa sút trí tuê gây nhiều tác dụng phụ trên cơ thể người dùng nhưng lại nhanh chóng mất đi sau vài tháng.

Những tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm:
- Tiêu chảy
- Cơ thể mệt mỏi
- Buồn nôn và nôn
- Khó ngủ, mất ngủ
- Đau đầu
- Tiểu són
Các trường hợp ít phổ biến hơn có:
- Cảm cúm
- Mất cảm giác thèm ăn
- Chóng mặt
- Ngứa, phát ban trên da
- Đánh trống ngực
- Rối loạn thần kinh
- Ngất xỉu, co giật
- Ngủ gà ngủ gật
- Tăng huyết áp
- Táo bón
- Ảo giác, ảo thanh

Đa số bệnh nhân đều có thể sử dụng và điều trị bằng những loại thuốc chống sa sút trí tuệ kể trên trừ những người có vấn đề về gan, thận. Tuy nhiên cụ thể việc dùng thuốc như thế nào cần phải được quyết định bởi các bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân. Việc quyết định nên bắt đầu điều trị hay chưa và bắt đầu điều trị bằng phương pháp nào sẽ được các bác sĩ cân nhắc dựa trên rất nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, bệnh nhân gặp phải những triệu chứng nào và bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng như thế nào (mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng).

Sa sút trí tuệ là bệnh khó điều trị và diễn biến rất phức tạp. Chính vì vậy bệnh nhân khi nghi ngờ dấu hiệu mắc sa sút trí tuệ cần đi khám ngay lập tức. Sau đó phải tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa.