Báo An Ninh Thủ Đô Ngày 16/10 đưa tin: Phòng CSHS, CATP Hà Nội vừa bóc gỡ đường dây mua bán thận với thủ đoạn hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Từng khâu trong quá trình mua bán thận được khép kín, với những “lá bùa” nhằm che chắn cho hành vi phạm pháp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội (ngày 23-4-2018) về việc xác minh, điều tra ổ nhóm nghi vấn hoạt động mua bán mô, bộ phận cơ thể người (thận), Phòng CSHS - CATP đã nhanh chóng triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm rõ đường dây môi giới bán thận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Cầm đầu đường dây môi giới mua bán thận này là Trần Văn Phương (SN 1989, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Giúp sức cho Phương còn có các đối tượng gồm Lê Thùy Linh (SN 1996, ở huyện Phú Giáo, Bình Dương); Hoàng Ngọc Tiến (SN 1988, ở huyện Đông Hà, Quảng Trị); Phan Văn Hùng (SN 1991, ở huyện Yên Thành, Nghệ An).

Do thấy nhiều người có nhu cầu mua - bán thận để ghép nên Trần Văn Phương đã sử dụng tài khoản facebook đăng thông tin tìm người mua - bán thận. Khi gặp người có nhu cầu mua, bán thận, đối tượng yêu cầu cả người mua và bán gặp nhau, làm hồ sơ giả tự nguyện hiến thận cho nhau để qua mặt lực lượng chức năng.

Môi giới, buôn bán nội tạng người phạm tội gì, bị xử lý ra sao?

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội danh mới được quy định tại Điều 154 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội này được xếp vào chương tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Mà trực tiếp đối tượng tác động ở đây là mô và bộ phận cơ thể của con người.

Điều luật quy định hai hành vi bao gồm: Hành vi mua bán và hành vi chiếm đoạt. Đối tượng hành vi mua bán và chiếm đoạt trong điều luật bao gồm mô và bộ phận cơ thể người. Mô dưới góc độ y học là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định. Bộ phận cơ thể người là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trên cơ thể người bao gồm các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, các cơ quan khác trong hệ cơ quan của con người. Đấy là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể người nếu không xảy ra các yếu tố tác động từ bệnh lý hoặc ngoại lực. Người phạm tội chỉ cần có hành vi này là đã cấu thành tội phạm mà không cần biết đã mua bán được chưa hay đã chiếm đoạt được chưa.

Người phạm tội tiến hành mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người một cách cố ý. Người phạm tội thấy trước được hành động của mình sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện, biết hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra.

Cũng giống như tội phạm khác chủ thể thực hiện tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, chủ thể thực hiện tội này không phải là chủ thể đặc biệt. Chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Nếu có gì thắc mắc hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Hotline: 1900.8698 hoặc truy cập vào website: https://tgslaw.vn để được tư vấn và giải đáp.

Chủ đề cùng chuyên mục: