Hiện Việt Nam đang là quốc gia có dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4 rất thấp, mới chỉ đạt 7% (người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả cuối cùng qua mạng). Trong khi đó, Singapore chỉ số này đạt trên 90%, các nước châu Âu đạt bình quân trên 80%. 2 Năm tới, Việt Nam phấn đấu đưa chỉ số này lên 30%, tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn, vì sao?.
Đọc thêm: Phân bón
Xu thế tất yếu
Xu thế công nghệ số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngày nay.
Lấy ví dụ gần gũi ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp hay du lịch là những "địa thế" còn rất nhiều tiềm năng để ứng dụng công nghệ số.

Khách hàng trải nghiệm thực tế ảo.
Ông André Laperriere, Giám đốc Điều hành chương trình Dữ liệu mở về Nông nghiệp và Dinh dưỡng toàn cầu Liên hiệp quốc lấy ví dụ: “Ngày nay, trên toàn thế giới, nông nghiệp sử dụng dữ liệu đang tăng năng suất, sản lượng, thu nhập nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây, nhờ vào các công nghệ và phương tiện mới để thu thập, lưu trữ, phổ biến và sử dụng khoa học, thông qua dữ liệu".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này: "Để điều này xảy ra, dữ liệu cần phải mở để có thể tìm thấy, có thể truy cập, tương thích, có thể sao chép và chia sẻ theo định dạng/cách thức thực sự dễ hiểu và có thể sử dụng được vào mục đích của nơi cần sử dụng dữ liệu”.
Đồng quan điểm, Giáo sư Hồ Tú Bảo, viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản cũng dẫn chứng: “Du lịch và nông nghiệp là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ số. Ví như, hiện chúng ta chưa có cơ ở dữ liệu trong nông nghiệp nên chưa dự báo được cung cầu, do đó, chưa trách được khủng hoảng thừa như một số sản phẩm nông nghiệp thời gian qua”.

Một startup công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được giới thiệu mới đây tại TP.HCM.
Còn theo ông Ludovic Bodin, Đại sứ Đầu tư quốc tế của France AI cũng phân tích: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi sâu sắc đến cách xã hội vận hành cũng như vận mệnh của các doanh nghiệp. Do đó cần có chiến lược phát triển tổng thể và đồng nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu, các quỹ Đầu tư công nghệ cũng như các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ứng dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo”.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải mạnh mẽ và phải đổi mới. “Giải pháp rất đơn giản, đó là sự đổi mới. Chúng ta cần phải thay đổi thói quen, phương pháp, cách suy nghĩ truyền thống để nắm lấy thực tế mới, cuộc cách mạng dựa trên dữ liệu”, ông André Laperriere phân tích.
Phải nỗ lực hết sức
Tuy nhiên, để đổi mới cũng không phải là điều dễ dàng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục Tin học hoá (bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết: “Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu sẽ có 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4 (người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả cuối cùng qua mạng)”.
Dù rất thấp so với các quốc gia phát triển (Singapore trên 90%, các nước châu Âu trên 80%), tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, đây là thách thức rất lớn, vì hiện nay, chúng ta mới chỉ triển khai được 7% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4.

Khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển công nghệ số cũng là trở ngại của Việt Nam.
Tương tự, trong 2 năm nữa, Việt Nam phấn đấu đạt 25% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có thanh toán điện tử, 30% thông tin của người dân được tự động sát nhập vào biểu mẫu trực tuyến, 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng được chữ ký số, mobile ID để thực hiện thủ tục hành chính…
“Để hướng tới các chỉ tiêu trên, thì chính phủ điện tử sẽ lấy người dân làm trung tâm, chính phủ làm nền tảng và dữ liệu được coi là vấn đề cốt lõi. Ví như khi sinh ra, đứa trẻ sẽ được thông báo để phụ huynh đưa đi tiêm chủng, đến 6 tuổi sẽ đưa ra danh sách các trường học lân cận nơi ở để họ lựa chọn…”, ông Phúc cho biết thêm.
Thực tế, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết: “Hiện Việt Nam phải giải quyết 4 vấn đề để có thể triển khai được công nghệ số”.
Theo ông Hưng thì thứ nhất là làm sao có thể phát triển hạ tầng số nhanh và hiệu quả. Thứ hai là khuôn khổ pháp lý để xây dựng và phát triển công nghệ số, làm sao có thể kịp thời điều chỉnh những phát sinh xảy ra trong quá trình phát triển cuộc cách cách mạng công nghệ 4.0 (ví như vấn đề liên quan tới Uber, Grab). Thứ ba là phải đổi mới hệ thống giáo dục, dạy nghề để đáp ứng được nhu cầu phát triển và cuối cùng là phải tạo dựng và quản lý, mở dữ liệu để người dân tiếp cận, sản xuất, kinh doanh…