Theo chuyên gia Địa Ốc Long Phát nhận định, các dự án hạ tầng như: Khởi công sân bay quốc tế Long Thành, xây dựng tuyến đường 25C, cầu nối Nhơn Trạch với TPHCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành đưa vào hoạt động… là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho thị trường bất động sản Đồng Nai trong năm 2020.

Khởi công sân bay quốc tế Long Thành vào cuối năm

Theo thông tin mới nhất vừa công bố của UBND tỉnh Đồng Nai, khu vực ưu tiên thu hồi 1.810 ha đất cho sân bay Long Thành đã được thực hiện gần hoàn thành, đối với 3.190 ha ở các khu vực còn lại cũng đã tiến hành đo đạc và sẽ tiến hành di chuyển người dân đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn vào quý 2-2020. Với tiến độ thực hiện nhanh chóng như hiện nay, Đồng Nai sẽ sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng cho diện tích khoảng 5.000 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành và kịp khởi công dự án vào cuối năm 2020.



Khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành sẽ là sân bay lớn bậc nhất khu vực châu Á, đồng thời sẽ hình thành “thành phố sân bay” tại Đồng Nai

Sân bay quốc tế Long Thành được thiết kế với quy mô 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025, đây sẽ là sân bay quốc tế có quy mô trung chuyển tầm cỡ khu vực châu Á, đồng thời sẽ dần hình thành một “thành phố sân bay” hiện đại, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Bộ và cả nước.

Xây dựng đường 25C

Mới đây, huyện Nhơn Trạch đã khởi công gói thầu số 1 thuộc dự án đường 25C giai đoạn 1, đoạn từ nút giao đường số 9 và Nguyễn Ái Quốc đến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đoạn đường này có chiều dài khoảng 2km, đi ngang qua khu đô thị Mega City 2 do Kim Oanh Group làm chủ đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành sau 16 tháng thi công.

Theo quy hoạch, dự án đường 25C có tổng chiều dài 14,5km, điểm đầu nối với Quốc lộ 51 (huyện Long Thành) và điểm cuối giao với đường Vành đai 3 (TPHCM). Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Nhơn Trạch với TPHCM và sân bay quốc tế Long Thành.

Hiện nay, hơn 11km cuối tuyến đã và đang thi công, đoạn giữa tuyến nằm trong các khu công nghiệp đã hoàn thành, còn lại hơn 3km đầu tuyến (từ hương lộ 19, xã Long Thọ đến Quốc lộ 51) đang được gấp rút hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng và dự kiến sẽ khởi công ngay trong năm nay. Khi toàn tuyến được lưu thông, đường 25C sẽ trở thành trục phát triển xuyên tâm của thành phố mới Nhơn Trạch, kết nối xuyên suốt từ TPHCM đến trục chính của sân bay quốc tế Long Thành.

Đường 319 nối dài sẽ vận hành cuối quý 1-2020

Tuyến đường 319 nối dài có tổng chiều dài hơn 17km, điểm đầu nối với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại ngã ba Bến Cam (xã Phước Thiền), điểm cuối nối vào đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại khu vực xã Phước An. Bên cạnh đó, đường 319 còn chạy song song với Quốc lộ 51 qua các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, nối thẳng xuống cảng Phước An và đi qua cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).



Đường 319 kết nối vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thiện và sẽ đưa vào vận hành cuối quý 1-2020

Dự án này được chia làm 4 đoạn đầu tư. Một đoạn qua khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 đã hoàn thiện, 3 đoạn còn lại thuộc đầu và cuối tuyến đang được triển khai xây dựng. Trong đó, đoạn từ ngã ba Bến Cam đến nút giao với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài 9,4km đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối quý 1-2020. Khi đó, thời gian di chuyển từ Nhơn Trạch đến TPHCM rút ngắn chỉ còn 30 phút.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành

Theo quy hoạch, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km đi qua ba tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai và nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ, cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ trở thành trục giao thương chính giữa các tỉnh miền Tây với Đồng Nai, Bà Rịa Vũng – Tàu và các tỉnh miền Đông mà không phải đi qua trung tâm TPHCM vốn đang ùn tắc, quá tải.

Đến thời điểm này, tiến độ thi công dự án đã hoàn thiện 80% và dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong năm 2020.

Đường Vành đai 3 TPHCM

Đường Vành đai 3 không chỉ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM mà cả Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Bởi bên cạnh việc góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông, tuyến đường này còn tạo thành một hành lang phát triển mới theo hướng từ Đông sang Tây.

Theo phê duyệt, đường Vành đai 3 dài 97,7 km, điểm đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, rồi đi qua 4 tỉnh gồm Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Long An và kết thúc tại nút giao đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Toàn tuyến được chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ Tân Vạn (Bình Dương) - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km, đoạn 2 từ Bình Chuẩn – Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7km, đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km; đoạn 4 từ quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2 km.

Hiện nay, đoạn từ Bình Chuẩn - Tân Vạn đã được đầu tư và đưa vào khai thác, các đoạn còn lại vẫn trong quá trình nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Riêng đoạn từ Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài 34,3 km qua địa phận TPHCM và Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thành phần 1A.

Xây cầu nối quận 9 với Nhơn Trạch

Dự án xây cầu nối quận 9 (TPHCM) với Nhơn Trạch là một phần trong dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM, đoạn từ Tân Vạn – Nhơn Trạch. Theo chuyên gia thị trường bất động sản Long Phát đánh giá, đây cũng là dự án đang được đông đảo giới đầu tư bất động sản và người dân Đồng Nai trông đợi nhất năm 2020. Bởi khi cây cầu này hoàn thành không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Nhơn Trạch với TPHCM mà sẽ giúp Nhơn Trạch, Long Thành “lột xác” trở thành trung tâm phát triển năng động không thua kém quận 2, quận 9.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết

Một trong những công trình giao thông cũng được kỳ vọng sẽ làm nên sức hút mới cho thị trường bất động sản Đồng Nai là tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Bình Thuận). Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc thi công với chiều dài gần 100 km.