Con nhỏ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ. Nhìn thấy trẻ biếng ăn, không chịu ăn uống, người cứ gầy đi cha mẹ nào không não lòng. Cha mẹ nào chả muốn con ăn khỏe ngủ tốt, nhưng không phải cứ muốn là được. Nhiều khi trẻ bị bệnh, hay sợ ăn khiến trẻ biếng ăn. Theo y học cổ truyền chứng biếng ăn ở trẻ nguyên nhân chủ yếu là ăn uống tích trệ, vị nhiệt tân dịch thương tổn và tỳ khí hư nhược mà ra. Do vậy để chữa chứng biếng ăn cho trẻ đồng nghĩa với việc phải đi điều trị từ nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng nguyên nhân mà dân gian có những bài thuốc dành cho trẻ biếng ăn khác nhau:




Một số nguyên nhân gây biếng ăn:

1.Biếng ăn do tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Trẻ biếng ăn khi có cảm giác bị ép buộc, bỏ rơi, bị gò bó hoặc bị đánh lừa. Các tình huống thường gặp trong thực tế:
- Bị ép bú bình trong khi chỉ thích bú mẹ.
- Mẹ đi làm để trẻ cho người khác chăm sóc.
- Bị ép phải mang khăn ăn, phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn.
- Bị quy định phải ăn hết khẩu phần của mình trong một thời gian cố định.
- Không khí bữa ăn căng thẳng.
- Cha mẹ cho thuốc vào thức ăn, vào sữa.

2. Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn.
- Những sai lầm trong chế biến thức ăn cho trẻ:
+ Hầm khoai tây, cà rốt, củ dền, đậu, thịt... xay nhuyễn và cho trẻ ăn hết ngày này qua ngày nọ, gây cảm giác ngán.
+ Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không cho ăn xác, lâu ngày dẫn đến tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng.
+ Cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến lúc 2, 3 tuổi.
+ Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm đậu, hầm xương... làm trẻ khó tiêu hóa.
+ Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm.
- Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp:
+ Ăn dặm quá sớm (trước khi trẻ tròn 4 tháng).
+ Ăn cơm quá sớm (trong khi răng trẻ chưa đủ để nhai cơm).

3. Biếng ăn do bệnh lý:
- Suy dinh dưỡng.
- Nhiễm ký sinh trùng; nhiễm trùng (viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan...) và virus.
- Bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm lợi), loạn khuẩn đường ruột.

4. Biếng ăn sinh lý: Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với lúc bé biết lẫy, ngồi, đứng, đi... Sau đó, trẻ trở lại ăn uống bình thường.

5. Biếng ăn do thuốc: Do dùng quá nhiều vitamin, kháng sinh hoặc “thuốc kích thích ăn’’. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, còn thuốc kích thích ăn sẽ làm cho trẻ biếng ăn thêm ngay sau khi ngừng thuốc (thuốc này chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi).

6. Biếng ăn “của cha mẹ”: Do cha mẹ quá lo lắng về sự tăng trưởng của con. Khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa tuổi, nhiều người nghĩ rằng con biếng ăn mặc dù trẻ vẫn tăng cân và tăng chiều cao tốt.

7. Biếng ăn bẩm sinh: Có khoảng dưới 5% trẻ sinh ra chỉ ngủ, chơi mà không bao giờ đòi bú.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị biếng ăn như sau khi tiêm phòng hoặc sau chấn thương.

Bài thuốc:

Dùng màng mề gà khoảng 30 g rửa sạch, phơi khô, sao vàng rồi tán thành bột. Bột màng mề gà trộn thêm chút đường kính vào để uống dần. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 0,5 g (với trẻ dưới 3 tuổi) hoặc 1 g (với trẻ 3-5 tuổi) và 1,5 g (với trẻ từ 6 tuổi trở lên).

Bài thuốc cho trẻ biếng ăn vì vị nhiệt
Trẻ biếng ăn do vị nhiệt, tân dịch thương tổn thường kèm theo các hiện tượng:
Chất lưỡi đỏ
Vài ba ngày mới đi đại tiện một lần, phân khô, táo bón.

Bài thuốc:

Cách 1: Cà bát tươi 1 quả (khoảng 150 g) rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái nhỏ, để cả hạt, ép lấy nước uống, ngày uống 2-3 lần.

Cách 2: Dưa hấu và cà chua lượng bằng nhau. Dưa hấu bỏ vỏ, bỏ hạt (lấy phần ruột đỏ; cà chua chọn quả chín đỏ, tươi, rửa sạch rồi nhúng qua nước sôi để dễ bóc vỏ. Cho 2 thứ vào ép lấy nước uống ngày 1-2 lần, mỗi lần 50-200 ml tùy theo nhu cầu trẻ. Ép xong phải uống ngay, để lâu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.

Tỳ khí hư nhược gây chứng biếng ăn

Có rất nhiều bài thuốc chữa chứng tỳ khí hư nhược gây biếng ăn ở trẻ như:

Bánh củ cải: Củ cải tươi 250 g rửa sạch, thái nhỏ, trộn với dầu thực vật, sao tới chín. Thịt lợn nạc 100 g thái nhỏ, trộn với củ cải để làm nhân. Bột mỳ 250 g nhào nước cho dẻo rồi bọc quanh nhân, cho vào chảo rán chín, ăn điểm tâm.
Cháo đậu xanh táo tàu: Táo tàu khô 6 quả, gạo và đậu xanh lượng vừa đủ, nấu nhừ thành cháo, ăn trong ngày.
Chè hạt sen: Hạt sen bỏ tâm, ngâm nước nóng cho nở ra (nếu là hạt khô), rửa sạch, nấu thật nhừ rồi cho đường để ăn.
Cá chép 1 con (300-500 g), gừng tươi 20-30 g, vỏ quýt 10 g, gia vị vừa đủ. Cá chép mổ bụng, bỏ hết ruột; gừng thái nhỏ cho vào túi vải cùng vỏ quýt và gia vị rồi nhét vào bụng cá, hấp cách thủy hoặc nấu chín. Chia 2 phần cho trẻ ăn trong ngày (cả nước lẫn cái)
Việc sử dụng bài thuốc nào cho trẻ biếng ăn cần phù hợp với trẻ, trẻ có ăn được món đó không, nếu trẻ kiên quyết không ăn thì không nên ép kẻo lại khiến trẻ sợ hãi càng khiến tình trạng biếng ăn trầm trọng. Ngoài ra cha mẹ cần thường xuyên thay đổi khẩu vị cũng như món ăn phong phú đa dạng, hình thức bắt mắt để khiến trẻ cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn.